Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá XV làm việc với huyện Bát Xát
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai; lãnh đạo sở GD&ĐT; lãnh đạo huyện Bát Xát; đại diện cấp ủy chính quyền xã A Mú Sung.
Đoàn khảo sát làm việc với xã A Mú Sung và huyện Bát Xát
Qua báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện một số chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Bát Xát cho thấy: Toàn huyện có 61 đơn vị trường học, 01 Trung tâm GDNN - GDTX với 950 lớp, 24.702 học sinh. Trong đó Mầm non là 268 nhóm lớp với 6.169 học sinh; Tiểu học 418 lớp với 9.298 học sinh; THCS là 199 lớp với 6.595 học sinh; THPT và Trung tâm GDNN - GDTX là 65 lớp với 2.640; có 45/61 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 73,7%. Tuy nhiên là huyện miền núi, biên giới giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển về quy mô; nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động học sinh ra lớp và chất lượng giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025”, đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện và đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt, không có hiện tượng vi phạm. Ngoài ra đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) đảm bảo yêu cầu, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên vẫn cần tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các nhà trường, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các giải pháp tiếp cận công bằng giáo dục cho trẻ em gái người DTTS, tăng cường tiếng Việt cho học sinh Mầm non, Tiểu học.
Lãnh đạo huyện Bát Xát nêu kiến nghị, đề xuất
Ngành giáo dục của huyện thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh. Các trường đều phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới và thường xuyên, lồng ghép các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh các khối. 100% cán bộ quản lý các trường đều được tập huấn triển khai nâng cao năng lực quản lý, điều hành về lập kế hoạch, triển khai thực hiện và giám sát, đánh giá công tác dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bình đẳng giới. Tăng cường công tác truyền thông tới các bậc cha mẹ học sinh về chính sách dân số KHHGĐ; tập chung quan tâm, chăm lo đến việc học tập của con em trong gia đình; đặc biệt quan tâm, chăm lo sức khỏe đến trẻ em gái người DTTS.
Thời điểm đại dịch Covid-19 ngành đã tổ chức học trực tuyến, phối hợp làm các phiếu bài tập cho học sinh học tập, đội ngũ giáo viên lựa chọn những kiến thức cốt lõi để truyền dạy cho học sinh, đảm bảo cơ bản chương trình dạy và học. Với Chuyển đổi số và công nghệ, năm học 2022-2023 toàn ngành đang triển khai đồng bộ phần mềm quản lý trường học, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Quốc gia về giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông và GDTX. Tuy nhiên, một số trường học vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị còn thiếu, nhiều hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh, không có máy tính, sóng điện thoại, internet... nên còn gặp những khó khăn nhất định.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo xã A Mú Sung và huyện Bát Xát nêu một số kiến nghị, đề xuất với Đoàn khảo sát liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh vùng đồng bào DTTS như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh bán trú khu vực II, khu vực III; hỗ trợ cho giáo viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú đối với các trường chưa đủ điều kiện thành lập trường PTDT bán trú. Đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thống nhất trong toàn quốc; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các giải pháp tiếp cận công bằng giáo dục cho trẻ em gái người DTTS và tăng cường Tiếng việt cho học sinh Mầm non và Tiểu học...
Thăm và khảo sát tại trường PTDTBT Tiểu học và THCS A Mú Sung
Thăm khu nhà ở bán trú của học sinh
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá cao công tác triển khai, thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo của huyện Bát Xát. Qua báo cáo cho thấy hầu hết các chính sách có liên quan đến đồng bào DTTS đều được huyện quan tâm triển khai rất tốt, đây xứng đáng là điểm sáng trong việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách giáo dục, đào tạo. Qua khảo sát tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS A Mú Sung đã để lại rất nhiều cảm xúc cho các thành viên trong đoàn công tác về một ngôi trường xanh - sạch - đẹp, cởi mở, hòa nhã. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị trong thời gian tới các trường học trên địa bàn huyện cần xây dựng Quy tắc ứng xử riêng cho từng cấp học đảm bảo phù hợp với tâm, sinh lý của học sinh; thể hiện rõ nét hơn về vai trò, trách nhiệm của học sinh đối với cha mẹ, thầy cô, bạn bè... Phát huy vai trò nêu gương của các thầy cô giáo để tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Thực hiện giải pháp tiếp cận giáo dục công bằng đối với trẻ em gái người DTTS. Tăng cường tập huấn, phổ biến tuyên truyền sát với độ tuổi và tâm, sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó huyện cần đưa ra các cách làm hay trong triển khai thực hiện các đề án nhằm mang lại hiệu quả cao trong giáo dục và đào tạo.
Đối với các kiến nghị của huyện và xã A Mú Sung, Đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp để tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc Đoàn công tác đã tặng quà cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS A Mú Sung (ảnh trên)./.