ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh,
Thường trực UBND tỉnh; Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022;
phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2023
Hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh:
- UBND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 sớm, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Lào Cai khoá XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026, tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương sớm xây dựng kế hoạch chi tiết của mình. Trong các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã dự báo, gắn với các kịch bản tăng trưởng, các phương án để đối phó, thích ứng với diễn biến của đại dịch Covid 19, tạo điều kiện để các đơn vị linh hoạt, điều chỉnh các giải pháp để đạt được mục tiêu chung.
- Song song với việc giao kế hoạch năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND (viết tắt là Chỉ thị 17) với 11 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, gắn với việc triển khai 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2022 của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình công tác số 01/CTr-UBND ngày 07/01/2021 với 18 nội dung chỉ đạo trọng tâm và 303 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022, đồng thời thực hiện nghiêm túc chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết – Kỷ cương – Thích ứng linh hoạt – Phát triển toàn diện”.
- Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh ban hành Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 22/02/2022 nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm lãnh đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 11/NQ-CP phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh Lào Cai, đưa Nghị quyết của Chính phủ đi vào cuộc sống. Đồng thời, để linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lào Cai đưa ra các giải pháp căn cơ, cụ thể để quyết liệt phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất kinh tế năm 2022 cao nhất (đạt trên 10%).
- Thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành chị thị số 15/CT-UBND ngày 23/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2022 trong đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo thủ tướng chính phủ giao năm 2022 đạt 100%KH trước ngày 31/12/2022.
- UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương đề xuất 22 nội dung phân cấp, đổi mới toàn hiện trên tất cả các lĩnh vực.
- UBND tỉnh đã tham mưu xây dựng các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ như: Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 07/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… đồng thời ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện các Nghị quyết.
- Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm tuổi.
- Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng.
- Đôn đốc việc hoàn thành phê duyệt các quy hoạch lớn như: Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hiện nay đang hoàn thiện, chỉnh sửa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Quy hoạch phân khu đô thị du lịch Y Tý (đã phê duyệt), Quy hoạch chung dọc hai bên bờ sông Hồng…; đôn đốc tiến độ triển khai các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh: Hoàn thiện thi công Đường kết nối ga Phố Mới (Lào Cai) – ga Bảo Hà – huyện Văn Yên (Yên Bái) và Trung tâm huyện Văn Bàn – Văn Yên (Yên Bái) giai đoạn I, Đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa;
- Chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai thực hiện các nội dung của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi),
- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; triển khai và áp dụng một cửa, một cửa liên thông điện tử tại 100% bộ phận một cửa ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).;...
- Triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế; mở rộng quan hệ với đại sứ quán một số nước tại Việt Nam (trong năm đã có 09 đoàn đại sứ của các nước tới thăm và làm việc với tỉnh: Israel, Ấn Độ, Australia, Cu ba, Thái Lan, Belarus, Hàn Quốc, Lào, EU) và các cơ quan truyền thông lớn trong nước. Tổ chức làm việc với các Tập đoàn, tổng công ty, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh để bàn, trao đổi, triển khai, hợp tác thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo thường xuyên các cấp, các ngành, địa phương nắm chắc tình hình, quản lý tốt địa bàn, cơ sở và chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, bảo đảm đời sống yên bình cho nhân dân, góp phần đảm bảo an toàn cho các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh và trong nước.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai năm 2022:
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đã dần bước vào quỹ đạo phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân năm 2022 đạt 9,02% xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so năm 2021; trong đó: nông nghiệp tăng 5,34%, công nghiệp và xây dựng tăng 12,65% (công nghiệp tăng 14,86%), dịch vụ tăng 8,42%, thuế sản phẩm 12,25%. Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,57%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 41,64%; ngành dịch vụ chiếm 34,63%; thuế sản phẩm 10,16%.
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, vượt mục tiêu KH. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, cả năm đạt 46.069 tỷ đồng, tăng 11,8% so CK. Thương mại dịch vụ đang trên đà phục hồi tích cực. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm đạt 32.054 tỷ đồng, tăng 16% so CK. Lượng khách tới các điểm thăm quan du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng gấp 3,3 lần so CK. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 16.380 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với 2021.Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được triển khai quyết liệt, đạt 10.389 tỷ đồng, tăng 4,4% so CK.
Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng thời chủ động trong việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kế hoạch vốn năm 2022 theo Quyết định số 2048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 4.836 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 4.739 tỷ đồng bằng 98%KH. Như vậy, đến nay tỉnh Lào Cai đã hoàn thành công tác giải ngân XDCB theo yêu cầu tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chỉnh phủ ngày 15/9/2022 (đạt 95-100% KH).
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đối tượng chính sách. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có hiệu quả. Công tác phòng chống dịch, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt; hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong; tỷ lệ tiêm vắc xin đạt ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao; nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức đảm bảo chu đáo, an toàn.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại:
- Tác động của kinh tế thế giới, xung đột vũ trang Nga - Ukraine gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
- Số lượng và chất lượng các doanh nghiệp của tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sự kết nối giữa các doanh nghiệp để tỉnh có vai trò là trung tâm kết nối vùng còn hạn chế.
- Phía Trung Quốc kiên trì chiến lược “Zero Covid” nên tạm ngừng hoặc hạn chế nhập khẩu thiết bị phụ tùng thay thế, nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất và các mặt hàng nông sản, trái cây tươi từ Việt Nam để phòng chống dịch, dẫn đến giá trị xuất khẩu đạt thấp và vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Cửa khẩu phụ ngừng hoạt động; chưa hình thành được các cặp chợ biên giới và cửa khẩu quốc tế đường sắt không phát huy được lợi thế (chưa xuất khẩu được nông sản, trái cây) dẫn đến không tăng được năng lực và giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, còn tình trạng thiếu nguyên liệu quặng apatit cho các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất nên các nhà máy cơ bản sản xuất không hết công suất. Một số dự án triển khai chậm tiến độ đề ra như: Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao - Nexus; Dự án Dược liệu Vitamec,… Công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản (Đồng, Apatit...) gặp nhiều khó khăn.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản thiếu ổn định, phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc (chuối, dứa...)...
- Một số điểm nghẽn của tỉnh chưa được giải quyết như sự thiếu đồng bộ giữa các loại quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết,...); công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, làm chậm tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm của ti tỉnh; tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ có biểu hiện trùng xuống trong thời gian gần đây; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2023:
Năm 2023, đối với tỉnh Lào Cai là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, cũng là năm năm tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế sau Đại dịch COVID 19. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Các ngành, địa phương xây dựng chương trình công tác năm 2023 để tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã giao, cụ thể hóa chủ đề công tác của năm 2023 “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hành động - Phát triển” để triển khai thực hiện.
(1). Xây dựng và phê duyệt kế hoạch năm 2023 về thực hiện 18 đề án trọng tâm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã ban hành.
(2). Chỉ đạo các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2023 đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị và huy động hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công dịp Tết Nguyên đán.
(3). Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tập trung phục hồi sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(4). Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Lào Cai đến 2030, tầm nhìn đến 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tạo sự thống nhất trong điều hành; Là công cụ để phân bổ nguồn lực và huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt ngánh nặng đầu tư công; tích hợp quy hoạch, đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau.
(5). Tập trung triển khai các quy hoạch chung như: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa; xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu; xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Bảo Hà - Tân An; xây dựng đô thị Bảo Hà; xây dựng kết nối đô thị du lịch Y Tý và vùng phụ cận, huyện Bát Xát; đô thị Võ Lao; đô thị Si Ma Cai... để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh như: Cảng hàng không Sa Pa, Cầu biên giới qua Sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; Đường BOT Lào Cai - Sa Pa; tỉnh lộ 156; cầu Phú Thịnh… Các công trình kè dọc Sông Hồng nhằm tạo cơ sở cho phát triển đô thị. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; Đầu tư kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ (Quốc lộ 279 nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu).
(6). Tiếp tục tham mưu, đề xuất các phân cấp, đổi mới trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để khơi thông sự sáng tạo, tạo nguồn lực phát triển.
Thông tin liên hệ: Ông Phan Quốc Nghĩa - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Người phát ngôn của UBND tỉnh:
Email: pqnghia-ubnd@laocai.gov.vn
Website: www.laocai.gov.vn
Tel: 0214.3840.010; Mobile: 888289289.