Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Lượt xem: 427

CTTĐT - Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp trực tuyến thứ 3 của Ủy ban Quốc gia với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi (Ủy ban); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban; cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban.

Quang cảnh tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Toàn Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng

Theo báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên họp, tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% so với mục tiêu cả năm; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt cao 11,27%/7% kế hoạch năm; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66%/65% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)… Công tác chuyển đổi số được thực hiện trên 10 nội dung cơ bản, gồm: Nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn, an ninh mạng; chính phủ số; kinh tế số; xã hội số; đô thị thông minh.

Về hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.

Về nền tảng số, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…

Điểm nổi bật kết quả đánh giá DTI năm 2021

Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Việc xác định Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, ở nhóm 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, 3 cơ quan dẫn đầu là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Còn ở cấp tỉnh, thành phố, top 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong năm 2021 lần lượt là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Đại biểu thành phố Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chuyển đổi số Quốc gia

Tại phiên họp, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện trong những tháng tiếp theo; đồng thời đề xuất, đưa ra những phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác chuyển đổi số của Chính phủ, cũng như Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số nhanh, đồng bộ và hiệu quả nhất tại 4 cấp: (Trung ương, tỉnh, huyện, xã); đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng; sớm đưa vào hoạt động chính thức Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh;…

Lào Cai đã đã hoàn thành triển khai thành lập 888 tổ công nghệ cộng đồng

Đối với tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện cao hơn hoặc bằng 5/12 mục tiêu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra như: Tỷ lệ về doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán, dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 3/7 chỉ tiêu đã thực hiện thấp hơn so với kết quả 6 tháng đầu năm (Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; Tỷ lệ hộ gia đình Internet cáp quang băng rộng; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử); 2 chỉ tiêu chưa thực hiện (Tỷ lệ báo cáo của CQNN được thực hiện trực tuyến; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở)…

Về thực hiện xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số: Toàn tỉnh có 1.761/1.966 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 89,5%. Đã triển khai tích hợp 1.378/1.761 dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78,2%), đứng thứ 4 toàn quốc. Đồng bộ được 181.735 hồ sơ giải quyết TTHC với Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố). Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tiếp 86.320 hồ sơ đạt 55%; Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tuyến 70.576 hồ sơ, đạt 45%.

Xây dựng, triển khai nền tảng kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) phục vụ kết nối các ứng dụng dùng chung của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương qua nền tảng kết nối liên thông Quốc gia; Kết nối với Hệ thống báo cáo quốc gia, đã thực hiện 8 loại chỉ tiêu báo cáo chính phủ (Thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, xuất, nhập khẩu, đầu tư trong nước, nước ngoài, đăng ký doanh nghiệp); trên 700.000 người dân trên địa bàn tỉnh đã có thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.

100% xã có hạ tầng cáp quang đến xã; 100% tổ dân phố và 75,7% (927/1.224 thôn) có hạ tầng cáp quang; Toàn tỉnh có trên 5.938km cáp, trong đó 5.500km treo, 438km cáp ngầm. Tỷ lệ các tuyến cống, bể, ống cáp viễn thông sử dụng chung hạ tầng đạt 10%; tỷ lệ tuyến cột treo cấp viễn thông đang được sử dụng chung là 6%; Đã thành lập 888 tổ công nghệ cộng đồng và tiến tới 100% các thôn, tổ dân phố với nòng cốt là trưởng thôn (tổ trưởng dân phố) và cán bộ đoàn cơ sở tham gia; Thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn, an ninh mạng theo cấp độ; kết nối hệ thống giám sát an toàn thông tin của tỉnh với kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số của các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của Nhân dân và các chỉ tiêu, mục tiêu về chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số để các bộ, ngành quan tâm xử lý, đầu tư như: Chất lượng đường truyền thấp, chưa ổn định; cần cải thiện các phần mềm, ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ công của nhân dân...

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu ngày càng nhanh, mạnh của thị trường, của xã hội; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuyển đổi số để hoàn thành những mục tiêu còn lại đã đề ra, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ.

Thường xuyên rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất,… Chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tư duy cục bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động của cơ quan, đơn vị, địa phương, để tạo được lợi ích cho người dân; huy động nguồn lực xã hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (27/02/2023)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (27/02/2023)
  • PS 02 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • Xã Lương Sơn (Bảo Yên) đạt chuẩn Nông thôn mới
    (27/02/2023)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !