Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 251
CTTĐT - Đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, không chỉ giúp lao động người có thu nhập mà còn có điều kiện để nâng cao trình độ, tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Lực lượng lao động này sau khi về nước cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện nghèo và các địa phương khác trong tỉnh. 
anh tin bai

Anh Vũ Đình Gió, thôn KM3, xã Na Hối, Bắc Hà khởi nghiệp thành công ở quê hương sau khi đi lao động ở Hàn Quốc trở về.

Từ lựa chọn đúng

Lào Cai tỉnh miền núi, biên giới có trên 66% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh có 4/9 huyện, thị xã, thành phố là huyện nghèo được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của Chính phủ, gồm các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai. Đồng thời, Lào Cai hiện có 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thuộc các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát và Văn Bàn. Những xã này tập trung ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi khó khăn vốn được coi là “lõi nghèo” của tỉnh Lào Cai.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện nghèo và ở vũng “lõi” nghèo, trong các nhóm giải pháp giảm nghèo, thì giải quyết việc làm thông qua việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mang lại hiệu quả rõ rệt; đồng thời cũng là giải pháp để hạn chế tình trạng lao động “chui”. Từ hướng đi này, nhiều lao động, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện nghèo và các địa phương trong tỉnh sau khi được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước đã tích cực tham gia.

Trong tiết trời se lạnh đầu mùa Đông của vùng núi Bắc Hà, gặp anh Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng Lao động-Thương binh Xã hội huyện cho biết: Bắc Hà là một trong 4 huyện nghèo trong tỉnh, bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, nên nhiều lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nông nghiệp. Mong muốn này phù hợp với đặc điểm điều ở Bắc Hà, vì sau khi trở về, lao động có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế nông nghiệp nơi đây.

Cùng anh Lê Văn Khiêm tới thăm mô hình trồng Dâu tây của anh Vũ Đình Gió, ở thôn KM3, xã Na Hối, Bắc Hà. Anh Vũ Đình Gió chia sẻ, nếu không đi lao động ở nước ngoài có lẽ giờ anh vẫn là hộ nghèo; được hỗ trợ từ Chương trình EPS đối với lao động thuộc các huyện nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Vũ Đình gió đã đi lao động tại Hàn Quốc từ năm 2014 đên năm 2017. Sau khi hết thời gian lao động theo hợp đồng tại xứ sở Kim Chi, với số vốn tích cóp có được và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, anh quyết định trở về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở quê nhà chứ không chọn con đường ở lại bất hợp pháp như một số lao động Việt Nam. Với số vốn trong tay chàng trai 31 tuổi quyết định mua đất trồng dâu tây, cà chua… Sau nhiều lần trồng thử nghiệm, anh mới tìm ra được quy trình sản xuất chuẩn, cây dâu tây dần dần phát tốt và đã thu hoạch quả. Hiện nay, mỗi 1 kg dâu tây tại vườn được bán ra với giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Năm 2020 - 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song mô hình trồng dâu của Vũ Đình Gió cũng lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ quyết sách đúng, đó là lựa chọn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tại Hàn Quốc mà anh Vũ Đình Gió học được rất nhiều kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt cùng với số vốn tích lũy được để khởi nghiệp thành công, làm giàu trên chính quê hương của mình.

Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện Bắc Hà Lê Văn Khiêm còn chia sẻ với chúng tôi, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; trong năm 2022, toàn huyện đã có 10 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan; đồng thời đã có 25 lao động ở những xã có điều kiện phát triển kinh tế đăng ký làm thủ tục đi lao động ở nước ngoài. Còn ở những xã khó khăn hơn, người dân trong độ tuổi lao động rất thích đi nhưng vẫn còn e ngại, sợ khó khăn khi đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vậy, để tạo thêm việc làm, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho huyện nghèo; trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Bắc Hà sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người dân, phấn đấu hàng năm huyện sẽ có từ 50 - 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

anh tin bai

Vườn dâu tây xanh tốt của gia đình anh Vũ Đình Gió

Đến nâng cao hiệu quả

Thời điểm những tháng giữa năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số người dân trong tỉnh (huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Si Ma Cai…) đã tin vào những cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội nên đã lựa chọn lao động trái phép, lao động “chui” chứ không theo con đường chính ngạch. Bởi vậy, đối với các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào DTTS, công tác thông tin, tuyên truyền về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng càng có vai trò quan trọng hơn.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Đinh Văn Thơ: Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân là điều rất quan trọng, nhằm giúp người dân hiểu được chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các huyện nghèo, đồng bào DTTS để người dân thay đổi nhận thức về việc người lao động tại các huyện nghèo ra nước ngoài làm việc không chỉ để có thu nhập về kinh tế, mà quan trọng hơn được rèn luyện hiểu biết ngoại ngữ, hiểu biết luật pháp, xây dựng tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề cho chính bản thân họ, từ đó họ để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ có việc làm mới, giúp thoát nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, quyết sách đúng cho vùng “lõi nghèo” để vươn lên thoát nghèo và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện nghèo.

Theo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH), đi làm việc ở nước ngoài là nhu cầu chính đáng của người lao động; Nhà nước và các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã, đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có cơ hội làm việc hợp pháp ở nước ngoài bằng nhiều hình thức. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức cung cấp thông tin chính thống về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho lao động là người nghèo, cận nghèo, DTTS ở các huyện nghèo là rất cần thiết.

Theo đó vào tháng 10/2022, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã phối hợp với Sở Lao động – TBXH tỉnh Lào Cai tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại huyện Bắc Hà và Mường Khương. Chương trình tập huấn đã cung cấp thông tin về quy định và nội dung hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin về các thị trường tiếp nhận lao động trọng điểm đối với lao động Việt Nam... Tại các buổi tập huấn, các đại biểu cũng được trao đổi và cách thức tư vấn và khai thác thông tin chính thống về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có thể hướng dẫn và hỗ trợ người lao động tại địa phương có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai cho biết: Để góp phần tạo thêm việc làm mới cho người dân trong độ tuổi lao động ở các huyện nghèo, nhất là vùng “lõi” nghèo; thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động - TBXH của 4 huyện nghèo trong tỉnh và UBND của 10 xã nghèo nhất tỉnh để khảo sát nhu cầu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở những địa phương này. Đồng thời kết nối, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH) và các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến tuyển dụng lao động địa phương. Kết quả, trong năm 2022, toàn tỉnh đã có 201 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có gần 70 lao động của 4 huyện nghèo xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (tăng gấp 3 lần so năm 2021) tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore…

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đưa lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, theo ông Trương Hồng Trường, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền mà rất cần các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có đại diện truyền thông nhằm kết nối và phối hợp trong công tác cung cấp những tư liệu, thông tin đầy đủ, chính xác cho cơ quan báo, đài; xác nhận và xử lý kịp thời những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin về lĩnh vực này. Hơn nữa, cần chú trọng công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã nhằm đưa thông tin về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đầy đủ và chính xác đến được với người lao động, nhất là ở các huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp cùng Sở Lao động –TBXH và các đơn vị liên quan trong tỉnh thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 với tổng doanh số cho vay 17,5 tỷ đồng với 512 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ 17,3 tỷ đồng; dư nợ đến 31/11/2022 là 400 triệu đồng với 4 hộ còn dư nợ.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để người lao động trong tỉnh, nhất là lao động ở các huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS  hiểu và nắm được nội dung chính sách của Bộ Lao động –TBXH và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về hỗ trợ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Thị Thu cho biết: Giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách này, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ đơn vị liên quan trong tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng; trong đó, chú trọng tới người lao động các hộ nghèo, đồng bào DTTS ở các huyện nghèo tham gia lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Bởi đây là đòn bẩy quan trọng, giúp người nghèo, cận nghèo và người đồng bào DTTS có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (27/02/2023)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (27/02/2023)
  • PS 02 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • Xã Lương Sơn (Bảo Yên) đạt chuẩn Nông thôn mới
    (27/02/2023)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !