CTTĐT - Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 2373/QĐ-BYT ngày 31/8/2022 hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Các chỉ tiêu, nội dung
cụ thể thuộc lĩnh vực y tế
Theo đó, tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có Tiêu chí số 15 về Y tế gồm: (15.1). Tỷ lệ
người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); (15.2). Xã đạt
tiêu chí quốc gia về y tế; (15.3). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể
thấp còi (chiều cao theo tuổi); (15.4). Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện
tử.
Tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn
mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 có Tiêu chí số 14 về Y tế gồm: (14.1). Tỷ lệ
người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); (14.2). Tỷ lệ
dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); (14.3). Tỷ lệ người
dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (áp dụng cho cả nam và nữ);
(14.4). Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cần đảm
bảo ≥ 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); tỷ lệ
này ở Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao là ≥ 95% (Ảnh ST).
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông
thôn mới, Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn thuộc tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa
- Giáo dục (về cơ sở hạ tầng). Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng
cao đảm bảo tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ)
≥ 95%, thuộc tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa – Giáo dục.
Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện 03 nội
dung gồm: Nội dung 08 về tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang
thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Nội dung 02 tăng cường chất
lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy
mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống
bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ
em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nội dung tăng cường quản
lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm,
cải thiện vệ sinh hộ gia đình.
Hướng dẫn thực hiện các
tiêu chí, chỉ tiêu về y tế
Tại văn bản, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể 09
tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông
thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn
2021 – 2025 gồm: (1) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; (2) Xã đạt tiêu
chí quốc gia về y tế; (3) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp
còi (chiều cao theo tuổi); (4) Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử; (5) Tỷ
lệ dân số được quản lý sức khỏe; (6) Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng
khám chữa bệnh từ xa; (7) Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng; (8) Tăng
cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh
thực phẩm; (9) Cải thiện vệ sinh hộ gia đình.
Tỷ lệ người dân tham
gia bảo hiểm y tế:
Chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 – 2025 được giao cho UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày
29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật
đến người dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ
thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia
bảo hiểm y tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu
hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế theo quy định của pháp luật. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở,
ban ngành có liên quan rà soát việc lập danh sách, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế
cho các đối tượng được Ngân sách nhà nước mua thẻ Bảo hiểm y tế để tránh trường
hợp cấp trùng thẻ.
Xã đạt tiêu chí quốc
gia về y tế: Hiện
nay Bộ Y tế đang đánh giá thực hiện để ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã
cho giai đoạn đến năm 2030; trong thời gian chưa ban hành các địa phương thực
hiện theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 và lưu ý một số nội dung sau: Bộ
tiêu chí được áp dụng để đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân của toàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), chứ không chỉ
đánh giá hoạt động của trạm y tế xã. Những chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí là những
yêu cầu cơ bản cần đạt, có những trường hợp đã đạt được các tiêu chí trong Bộ
tiêu chí nhưng chưa đạt được các quy định, tiêu chuẩn trong một số quy định
khác do Bộ Y tế ban hành thì vẫn phải tiếp tục phấn đấu để đạt các yêu cầu,
tiêu chuẩn đó. Các tiêu chí đánh giá dựa theo các quy định hiện hành. Khi các
quy định đó thay đổi thì tiêu chí đánh giá cũng cần thay đổi theo cho phù hợp.
Các địa phương có thể cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện,
hoàn cảnh cụ thể về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật của từng
địa phương. Tất cả các điều chỉnh, bổ sung của địa phương cần gửi về Bộ Y tế để
tổng hợp; trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ có văn bản góp ý. Việc đánh
giá thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã được thực hiện hằng năm. Xã được
công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế có thời hạn trong vòng 3 năm. Nếu các
năm tiếp theo không đạt Bộ tiêu chí thì phải rút danh hiệu đã công nhận.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi
bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi): Hướng dẫn chi tiết tại
Quyết định số 1858/QĐ-BYT ngày 06/7/2022 của Bộ Y tế và các văn bản sửa đổi, bổ
sung (nếu có). Phân loại cấp độ ưu tiên cho các can thiệp: Xã ưu tiên
nhóm A có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi > 30%; xã ưu tiên nhóm B có tỷ lệ
suy dinh dưỡng thấp còi từ 20 - 30%; xã ưu tiên nhóm C có tỷ lệ suy dinh dưỡng
thấp còi ở mức dưới 20%. Các xã ưu tiên nhóm A, B thực hiện can thiệp toàn diện
lên tất cả các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ưu tiên kiện
toàn và nâng cao chất lượng mạng lưới nhất là đội ngũ cộng tác viên/y tế thôn bản;
cung cấp vật tư trang thiết bị; tăng cường truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ
sung vitamin A, bổ sung đa vi chất; điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, tẩy giun
cho trẻ em… Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên (trung ương và của
tỉnh) và phối hợp sử dụng các nguồn ngân sách khác (nếu có). Các xã ưu tiên
nhóm C thực hiện các can thiệp tập trung vào giai đoạn trong và sau khi mang
thai. Ưu tiên truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, hướng dẫn bổ
sung đa vi chất; điều trị suy dinh dưỡng cấp tính…. Ưu tiên nguồn kinh phí trung
ương và của tỉnh (ngân sách chi thường xuyên) hỗ trợ cho các hoạt động thiết yếu,
duy trì mạng lưới; ngân sách còn lại sẽ được lấy từ nguồn xã hội hóa. Trong điều
kiện nguồn kinh phí huy động đủ thì có thể thực hiện các hoạt động can thiệp
theo nhóm A và B.
Tỷ lệ dân số có sổ khám
chữa bệnh điện tử:
Xây dựng và ban hành mẫu hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo mỗi người dân đều có sổ
sức khỏe điện tử. Đối với người dân sử dụng điện thoại thông minh: có APP
Mobile chứa hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân với các tính năng như thông tin tiêm
chủng, đặt hẹn khám bệnh, hồ sơ sức khỏe, tư vấn từ xa… Người dân đi khám bệnh
không dùng sổ khám bệnh giấy mà dùng điện thoại có APP để ghi triệu chứng lâm
sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Người dân cập
nhật kết quả khám, chữa bệnh hàng ngày khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Tỷ lệ dân số được quản
lý sức khỏe:
Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe được tạo lập ở các tỉnh khác nhau nhưng liên
thông trong toàn quốc đảm bảo hồ sơ bệnh án điện tử chuyển được từ trạm y tế xã
đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện tuyến Trung ương. Phần mềm thống
kê, quản lý được tình hình sức khỏe, tình trạng bệnh lý của người dân trên địa
bàn.
Tỷ lệ người dân tham
gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa: Bộ trưởng Bộ Y tế đã
ban hành Đề án số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn
2020 – 2025 và hiện đang xây dựng Thông tư quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ
xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh tuyến trên do dịch bệnh COVID-19.
Trung tâm Y tế huyện đạt
chuẩn về cơ sở hạ tầng: Hiện nay cơ sở pháp lý liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng
của Trung tâm y tế quận, huyện vận dụng theo một số văn bản. Tiêu chí
xét độc lập các đơn vị thuộc Trung tâm phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng tổng
thể; về các khoa phòng chức năng; cấp độ công trình hạng mục nhà chính từ cấp
III trở lên, các hạng mục phụ trợ từ cấp IV trở lên; về đảm bảo vệ sinh môi trường;
các điều kiện khác: Có hệ thống cấp nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sạch
theo quy định.
Tăng cường quản lý an
toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tăng cường hoạt động
thông tin giáo dục truyền thông các quy định của pháp luật, chính sách,
các chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương; tăng cường hoạt động kiểm
tra, giám sát, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm; thanh tra các hộ
kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm
vi quản lý của địa phương và xử lý vi phạm (nếu có); phối hợp với các đơn vị chức
năng của địa phương trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên
truyền cho người dân về phòng chống ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc
thực phẩm do độc tố tự nhiên nói riêng; tăng cường hoạt động tập huấn về an
toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên
địa bàn thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Cải thiện vệ sinh hộ
gia đình: Những
nội dung liên quan đến “Cải thiện vệ sinh hộ gia đình” bao gồm nhà tiêu, nhà tắm,
thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thực hiện theo Quyết định số
94/QĐ-ĐCT ngày 14/4/2022 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc ban hành Hướng
dẫn thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai
đoạn 2021 - 2025.
Xem văn bản tại đây:
Tải về