Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai hướng dẫn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Việc tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo khách quan, chính xác và phải được thực hiện một cách độc lập do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện; qua đó thể hiện sự đồng thuận của người dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Nội dung, địa bàn, thời gian, thời điểm, hình thức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân
Địa bàn lấy ý kiến là các hộ gia đình ở khu dân cư trên địa bàn xã (không lấy ý kiến đối với phường, thị trấn).
Tổ chức lấy ý kiến thông qua một trong các hình thức sau: (1) Phát phiếu và lấy ý kiến trực tiếp tại các hộ gia đình. (2) Tổ chức cuộc họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình. (3) Tổ chức lấy ý kiến bằng công nghệ thông tin (khi có hướng dẫn cụ thể).
Thời điểm lấy ý kiến là sau khi UBND từng cấp triển khai làm thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới.
Thời gian lấy ý kiến trong vòng 20 ngày (không tính thứ bảy và chủ nhật) kể từ khi lấy ý kiến đến khi tổng hợp hoàn thiện kết quả lấy ý kiến.
Có 07 nội dung trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân gồm:
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo mẫu Phiếu số 1).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã nông thôn mới nâng cao (theo mẫu Phiếu số 2).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo mẫu Phiếu số 3).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận huyện nông thôn mới (theo mẫu Phiếu số 4).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo mẫu Phiếu số 5).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận huyện nông thôn mới nâng cao (theo mẫu Phiếu số 6).
- Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo mẫu Phiếu số 7).
Phương thức tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân
Về phương thức lấy ý kiến được thực hiện đối với 03 cấp xã, huyện, tỉnh, cụ thể:
- Đối với đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tiến hành lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trên địa bàn.
- Đối với đề nghị công nhận cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, các xã tiến hành lấy ý kiến người dân trên địa bàn.
- Đối với đề nghị công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã tiến hành lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Có 4 bước thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân gồm:
- Bước 1: Sau khi có văn bản đề nghị của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân tại địa phương.
- Bước 2: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo (Ban vận động) cùng cấp thống nhất cách thức, thời gian thực hiện; phân bổ phiếu cho các khu dân cư và triển khai cho Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư tiến hành lấy ý kiến các hộ gia đình.
- Bước 3: Ban Công tác Mặt trận chủ trì cùng các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến thông qua tổ chức họp dân hoặc phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn hộ gia đình ghi phiếu trả lời câu hỏi và nhận phiếu từ các hộ gia đình.
- Bước 4: Tổng hợp kết quả: Tổng hợp kết quả lấy ý kiến của xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu (theo Biểu số 1). Tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị huyện đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo Biểu số 2a, 2b). Tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo Biểu số 3a, 3b).
Tỷ lệ lấy ý kiến trên địa bàn
(1) Đối với đề nghị xã đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu:
- Tỷ lệ lấy phiếu: Tỷ lệ lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân phải được thực hiện ít nhất 80% tổng số hộ gia đình của các khu dân cư trong xã.
- Tỷ lệ đề nghị công nhận:
+ Đối với đề nghị xã đạt chuẩn nông thôn mới: Từ câu số 01 đến câu 18 phải đạt từ 80% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó không có câu nào tỷ lệ hài lòng dưới 60%); câu hỏi số 19 phải đạt từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
+ Đối với đề nghị xã nông thôn mới nâng cao: Từ câu số 01 đến câu 18 phải đạt từ 85% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó không có câu nào tỷ lệ hài lòng dưới 70%); câu số 19 phải đạt từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
+ Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu: Từ câu số 01 đến câu 08 phải đạt từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó không có câu nào tỷ lệ hài lòng dưới 80%); câu số 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ dân được lấy ý kiến hài lòng.
(2) Đối với đề nghị huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao và thị xã/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới:
- Tỷ lệ lấy phiếu: Tỷ lệ lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân phải được thực hiện ít nhất 70% số hộ gia đình của các xã thuộc huyện.
- Tỷ lệ đề nghị công nhận:
+ Đối với đề nghị huyện nông thôn mới: Từ câu số 01 đến câu 09 phải đạt từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân từng xã đối với kết quả ở từng nội dung xây dựng nông thôn mới phải đạt từ 80% trở lên); câu số 10 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
+ Đối với đề nghị huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Từ câu số 01 đến câu 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả ở từng nội dung xây dựng nông thôn mới phải đạt từ 85% trở lên); câu số 10 phải đạt 98% số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
+ Đối với đề nghị thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Từ câu số 01 đến câu 08 phải đạt từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân của từng xã đối với kết quả ở từng nội dung xây dựng nông thôn mới phải đạt từ 80% trở lên); câu số 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
(3) Đối với cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới:
- Tỷ lệ lấy phiếu:
+ Đối với cấp huyện: Mỗi huyện chọn 30% số xã; mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% số hộ gia đình để lấy ý kiến.
+ Đối với thị xã, thành phố: lấy 100% số xã trên địa bàn; mỗi xã chọn 50% khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% hộ gia đình để lấy ý kiến.
- Tỷ lệ đề nghị công nhận: Từ câu số 01 đến câu 08 phải đạt trung bình từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân từng xã đối với kết quả ở từng nội dung phải đạt từ 85% trở lên); câu số 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.
Công khai kết quả, bảo lưu kết quả lấy ý kiến và lưu giữ phiếu
Bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến sau khi hoàn thiện phải được niêm yết tại bảng tin của các khu dân cư, Nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã; công bố kết quả trên hệ thống thông tin xã (đối với xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu) và huyện, thị xã, thành phố (đối với đề nghị huyện đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); trên hệ thống truyền thông các báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (đối với đề nghị cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). Thời gian niêm yết và công khai trên các phương tiện thông tin là 10 ngày kể từ khi có báo cáo kết quả tổng hợp của Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp đối với kết quả xây dựng nông thôn mới. Quá trình công khai kết quả lấy ý kiến, nếu có ý kiến thắc mắc của người dân ở cấp nào về kết quả lấy ý kiến thì Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp đó có trách nhiệm trả lời. Trường hợp ý kiến trả lời chưa thỏa đáng người dân có thể kiến nghị lên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Việc tổ chức lấy phiếu phải đảm bảo số lượng phiếu phát ra và thu về. Đối với những phiếu không đảm bảo theo quy định hoặc cần phải thay thế thì phải có biên bản hủy phiếu, ghi rõ lý do hủy phiếu và thay thế phiếu khác (đối với hình thức lấy ý kiến bằng công nghệ thông tin sẽ có hướng dẫn cụ thể sau). Sau khi tổng hợp kết quả phiếu phải có biên bản kiểm tra số lượng phiếu và bàn giao để lưu giữ phiếu. Đối với những địa phương tổ chức lấy ý kiến không đảm bảo theo quy định hoặc khi kiểm tra, thẩm định phát hiện việc tổ chức lấy ý kiến thực hiện chưa đúng quy định thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp chỉ đạo, xem xét, kiến nghị giải quyết hoặc tổ chức lại việc lấy ý kiến.
Đảm bảo nguyên tắc cấp nào tổ chức lấy ý kiến thì cấp đó lưu giữ phiếu. Trong trường hợp số lượng phiếu quá lớn thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới lưu giữ; việc bàn giao và ủy quyền lưu giữ phiếu phải có văn bản cụ thể. Thời gian lưu giữ phiếu là 5 năm theo quy định lưu trữ.
Kiểm tra, giám sát, thẩm tra kết quả thực hiện
Sau khi tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên tổ chức kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến đối với cấp dưới, quá trình kiểm tra nếu phát hiện việc tổ chức thực hiện không đúng theo quy định, thì trực tiếp chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến lại theo hình thức phù hợp. Tiến hành tổ chức kiểm tra xác suất việc tổ chức lấy ý kiến để đánh giá tính khách quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quá trình tổ chức lấy ý kiến ở cấp nào thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên thành lập đoàn giám sát hoặc trực tiếp cử đại diện giám sát việc tổ chức thực hiện lấy ý kiến.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên có kế hoạch thẩm tra, đánh giá việc tổ chức lấy kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới. Đối với những hồ sơ phát hiện có vấn đề hoặc có khiếu kiện, khiếu nại, phản ánh việc tổ chức lấy ý kiến không đảm bảo theo quy định thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến lại đảm bảo theo quy định, đồng thời có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm quy định.
Xem văn bản tại đây:
Tải về