Chàng trai trẻ bỏ phố về quê làm nông nghiệp
Lượt xem: 589

CTTĐT - Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chàng trai 24 tuổi Lý Văn Minh, dân tộc Dao ở Bắc Hà (Lào Cai) đã từ bỏ cơ hội làm việc ở thành phố, trở về quê với khao khát lập nghiệp tại quê hương và gây dựng thành công Hợp tác xã nông nghiệp Tả Củ Tỷ, liên kết với 400 hộ dân phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ, mang lại thu nhập cao cho người dân.

anh tin bai

Cây chè cổ thụ cao hơn 5 mét, ước chừng khoảng 200 năm tuổi ở Tả Củ Tỷ (Bắc Hà) 

Bỏ lại sau lưng tất cả và trở về quê lập nghiệp

Sinh ra ở vùng đất Tả Củ Tỷ đầy khó khăn của huyện Bắc Hà, chàng trai trẻ Lý Văn Minh, sinh năm 1998, dân tộc Dao, ngay từ khi còn nhỏ chàng trai này đã luôn khát khao được học tập để thoát ly khỏi “vùng quê nghèo”. Thế nhưng, ngay sau khi kết thúc 4 năm học tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Lý Văn Minh lại quyết định quay trở về quê hương để khởi nghiệp, vì nhận thấy nơi đây rất giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trên địa bàn có diện tích chè cổ thụ tương đối lớn, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao do người dân chủ yếu bán chè búp tươi và chè vàng, loại chè chế biến bằng cách sao tái và phơi nắng nên giá trị rất thấp. Vì vậy, với mong muốn nâng cao giá trị của cây chè, mang lại màu sắc tươi mới hơn cho bức tranh vùng cao quê mình.

Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, anh nhận thấy chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm là tài sản quý, cần được khai thác, nâng cao giá trị. Thế rồi anh quyết định chọn cây chè Shan tuyết cổ thụ làm cây nông sản chủ lực và bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu chế biến chè, nhưng kinh nghiệm gần như bằng không, chàng trai trẻ người Dao đã lên mạng internet tự học hỏi, mày mò, nghiên cứu cách chế biến chè cổ thụ.

Năm 2021, với quyết tâm cao “không sợ khó không sợ khổ”, chàng trai trẻ Lý Văn Minh cùng 7 thành viên đều là những đoàn viên thanh niên đã đầu tư 700 triệu đồng thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu “Trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ”. Lý Văn Minh và các thành viên HTX đã đầu tư dây truyền sao sấy chè; hướng dẫn bà con chăm sóc chè cổ thụ theo hướng hữu cơ.

anh tin bai

Lý Văn Minh hái chè Shan tuyết cổ thụ

Để tạo ra được sản phẩm chè chất lượng nhất, hương vị đặc trưng riêng của cây chè Tả Củ Tỷ, Lý Văn Minh Minh chia sẻ: "Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật riêng từ chuyển giao cho người dân chăm sóc chè, áp dụng cách chăm sóc chè cổ thụ hoàn toàn hữu cơ để nâng cao giá trị, cho đến quy trình hái chè, đưa ra công thức hái đảm bảo chất lượng và được phân loại cẩn thận trước khi chế biến như: Những búp chè cổ thụ phải được hái vào buổi sáng khi còn nguyên những hạt sương mai trên lá, sau đó đưa về xưởng, sao chè trên chiếc chảo gang lớn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhờ phương pháp chế biến chè truyền thống này mà trà cổ thụ Tả Củ Tỷ giữ trọn hương vị tự nhiên, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng."

Chàng trai trẻ dân tộc Dao khởi nghiệp với chè Shan tuyết cổ thụ, giúp dân bản thoát nghèo

Chàng trai trẻ Lý Văn Minh, anh chia sẻ: Cây chè cổ thụ hấp thụ những tinh hoa từ đất trời, từ những giọt sương sớm còn đọng lại trên búp trà mơn mởn làm cho hương vị trà thêm đậm đà. Nước chè cổ thụ mang màu xanh sáng dịu đẹp mắt, khi uống cảm nhận được một chút vị đắng chát và ngọt sâu lắng, sau 2 - 3 nước vẫn giữ được nguyên hương vị tự nhiên. Trước đây từ một người không biết uống trà, anh đã trở thành người “nghiện trà” vì sau mỗi lần chế biến chè, anh lại thử một lần và do thử sản phẩm quá nhiều lần nên anh đã trở thành “nghiện trà”.

anh tin bai

Sau khoảng 1 năm nghiên cứu, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ do HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ sản xuất được bán ra thị trường với giá dao động từ 500 – 600 nghìn đồng/1kg, loại đặc biệt có giá hơn 1 triệu đồng/1kg. Doanh thu mỗi năm của HTX thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20%. Hiện nay, các hộ dân liên kết với HTX đã chăm sóc chè cổ thụ theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học. Nhờ đó, giá thu mua chè búp tươi tại xã Tả Củ Tỷ cũng tăng từ 10 nghìn đồng/1kg lên đến 35 nghìn đồng/1kg, đã giúp cho người dân nâng cao thu nhập, nhiều hộ thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm từ chè, qua đó cũng làm thay đổi nhận thức của người dân về cây chè, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Hiện HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ liên kết với 400 hộ dân phát triển cây chè cổ thụ, mang lại thu nhập cao cho người dân. HTX mới đi vào hoạt động hơn 1 năm đã giúp 6 hộ dân thoát nghèo.

Ông Lý Seo Hằng, một hộ trồng chè bán cho Minh, cho biết: "Trước đây, có thời gian, chè không bán được hoặc bán với giá rẻ mạt. Giờ vui lắm rồi, chè hái được không phải đi bán đâu nữa, bán luôn tại bản, giá cả ổn định. Thành công này có được từ sự quyết tâm của cậu Minh."

Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ

Cầm trên tay gói trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ đầy ấn tượng với vẻ ngoài bao bì, tôi được chàng trai trẻ Lý Văn Minh cho biết về quan điểm của anh trong thiết kế, xây dựng bao bì sản phẩm phải đẹp sẽ thu hút khách hàng tiếp cận và phải thật ấn tượng, sao cho thể hiện được hình ảnh đặc trưng của quê hương mình khi chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao. Do đó, bao bì gói trà đã được kết hợp màu sắc trắng - xanh hài hòa được làm bằng chất liệu giấy vừa bảo vệ được nôi trường. Đặc biệt, trên bao bì còn có mã QR-code truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần quét mã, mọi thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất sẽ hiện ra. Bên cạnh đó, anh Minh tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm trà, do đó việc tiêu thụ khá thuận lợi và anh cũng trở thành một trong những điển hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Bắc Hà.

anh tin bai

Lý Văn Minh đang giới thiệu sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ với khách hàng tại gian hàng trưng bày sản vật của Lào Cai tại thành phố Hà Nội

Ý tưởng khởi nghiệp hình thành từ năm 2018 nhưng đến tháng 6/2022 thương hiệu trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ đã chính thức ra đời, trải qua nhiều khó khăn, đến nay bước đầu ra đã được thị trường đón nhận. Không chỉ tiêu thụ trong nước, trà cổ thụ Tả Củ Tỷ còn vươn tầm xuất khẩu.

Dự án khởi nghiệp phát triển chè Shan tuyết của HTX vừa qua đã lọt vào vòng bán kết cấp quốc gia cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; Đoạt huy chương đồng Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh 2022” của tổ chức AEA tổ chức tại tỉnh Lào Cai.

anh tin bai

Sắc màu tươi mới hơn cho bức tranh Tả Củ Tỷ  vùng cao quê hương Bắc Hà 

Với quyết tâm khao khát mở rộng thị trường, chàng trai trẻ Lý Văn Minh hiện đã là Giám đốc HTX nông nghiệp Tả Cỷ Tỷ, cho biết, "HTX đang tiếp tục mở rộng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu, dự kiến trồng mới khoảng 80 ha giai đoạn 2023 – 2025, trong đó 50 ha chè trồng mới và 30 ha trồng dặm. HTX hiện đã có nhà xưởng sản xuất 1.300 m2, liên kết 400 hộ dân với diện tích 157,5 héc ta cây chè, sản lượng ước tính 1,2 tấn/ha/năm. HTX đang tiếp tục mở rộng quy mô, năng lực sản xuất chế biến chè, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè chất lượng cao trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các sản phẩm từ cây chè Shan tuyết cổ thụ tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ. Mục tiêu đến năm 2025, HTX phát triển diện tích chè lên trên 200 héc ta. Đồng thời, áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng, đạt các tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ và châu Âu hướng tới xuất khẩu"./.

Tả Củ Tỷ là tên một xã ở Bắc Hà, quê hương của Lý Văn Minh. Khu vực này nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển. Nơi đây có khoảng 150 héc ta chè, 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ cao đến vài mét, có cây cao đến 5m, tán rộng 5m; đường kính một số cây 1,4m, hai người ôm mới xuể, rêu phong bao phủ. Chè mọc tự nhiên trong rừng, bám chặt vào núi đá, làm bạn quanh năm với mây mù.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (27/02/2023)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (27/02/2023)
  • PS 02 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • Xã Lương Sơn (Bảo Yên) đạt chuẩn Nông thôn mới
    (27/02/2023)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !