Truyền thông góp phần phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới
Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh và đi trước một bước nhằm định hướng thông tin, chú ý đến đặc thù văn hóa - xã hội của từng vùng, từng địa phương, chú trọng những thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có phương thức tuyên truyền vận động cho phù hợp. Phát huy tối đa và linh hoạt các loại hình tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số (báo/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội), hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hoá tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ, đăc biệt chú trọng đến ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới.
Cổng/Trang TTĐT sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có chuyên mục xây dựng nông thôn mới
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ; mục tiêu đặt ra là 100% các cơ quan thông tấn, báo chí cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình.
100% các địa phương sử dụng đúng, hiệu quả biểu trưng (logo) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và logo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong các hoạt động truyền thông.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục duy trì chuyên mục tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên Bản tin Thông báo nội bộ. Có ít nhất 01 chuyên mục/tuần về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 01 chuyên mục/tuần Chương trình OCOP được phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 01 chuyên trang/tuần về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 01 chuyên mục/tuần Chương trình OCOP trên Báo Lào Cai. 100% Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố hàng tuần có ít nhất 01 chuyên mục tuyên truyền xây dựng nông thôn mới và 01 chuyên mục về các sản phẩm OCOP. Đài Truyền thanh các xã, phường, trị trấn hàng tuần có ít nhất 01 - 02 Chương trình phát thanh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng các video clip, các tiểu phẩm, treo panô tuyên truyền các khẩu hiệu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên các tuyến đường trục huyện, trục xã. Hằng năm biên soạn và in ấn, cung cấp miễn phí tài liệu nghiệp vụ, sổ tay, chuyên đề… về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Mông, Dao…). Tổ chức ít nhất 01 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới; tối thiểu 10 diễn đàn, toạ đàm đối thoại chuyên sâu về các chủ đề trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao năng lực cán bộ các cấp về công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền; nghiệp vụ báo chí về phương pháp viết tin bài; sáng tác, biên tập, dàn dựng tiết mục, chương trình thông tin cổ động,... cho các cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã trong xây dựng nông thôn mới.
Chuyên mục xây dựng nông thôn mới trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.
Các Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố có chuyên mục về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 90% các câu hỏi của người dân về Chương trình được giải đáp kịp thời và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chương trình, các sở, ban, ngành phụ trách tiêu chí và cơ quan chức năng liên quan.
Tuyên truyền nông thôn mới trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, trung thực, khách quan bằng nhiều hình thức. Thông tin truyền thông cần cô đọng, đơn giản, dễ hiểu, có mục tiêu rõ ràng và cụ thể để thực hiện “Tuyên truyền nhân dân”. Nội dung tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và các địa phương. Theo Kế hoạch, có 12 nội dung chính cần tập trung tuyên truyền phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
(1) Tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và các Chương trình chuyên đề, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về Chương trình.
(2) Tuyên truyền những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong điều hành, chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình của các địa phương. Tuyên truyền những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
(3) Tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP. Quảng bá về tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để thu hút đầu tư. Giới thiệu các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
(4) Nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”.
(5) Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”.
(6) Chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững, có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.
(7) Quy hoạch, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
(8) Xây dựng các hình ảnh về người nông dân thế hệ mới, biết liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, thay đổi tư duy để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; hình ảnh “Người lãnh đạo cộng đồng” gắn với tổ chức đời sống cộng đồng, hướng đến “Nâng cao năng lực cộng đồng”. Tăng cường đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
(9) Tuyên truyền về các điển hình trong xây dựng nông thôn mới, những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, nơi có điều kiện khó khăn nhưng có giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội; phương pháp, cách làm của các địa phương đạt chuẩn để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới,… phản ảnh những khó khăn, bất cập tồn tại, những biểu hiện thiếu tích cực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn. Đưa ra các việc làm sai, trái với nguyên tắc xây dựng nông thôn mới để điều chỉnh, khắc phục và tránh làm ảnh hưởng đến các phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền về giáo dục, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tri thức bản địa. Thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội…
(10) Tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác thi đua, tôn vinh các cá nhân, tập thể tiêu biểu, những gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
(11) Tổ chức các cuộc thi, hội thi về xây dựng nông thôn mới (Hội thi thôn nông thôn mới, cuộc thi viết về nông thôn mới, thi ảnh về xây dựng nông thôn mới,…) nhằm xây dựng các hình ảnh về “Người nông dân chuyên nghiệp” gắn với các sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”; “Người lãnh đạo cộng đồng” gắn với tổ chức đời sống cộng đồng, hướng đến “nâng cao năng lực cộng đồng”.
(12) Triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Chương trình OCOP; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới; Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Kinh phí thực hiện công tác truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình hàng năm, giai đoạn được Trung ương giao và lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông./.