05 Giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai ​
Lượt xem: 601
CTTĐT – Chiều 23/02, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Ban Chỉ đạo tỉnh) tổ chức họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 và bàn các giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

anh tin bai

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022, 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 10 tháng năm 2023. Theo đó, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 các thành viên BCĐ các cấp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện nắm bắt tình hình cơ sở; phối hợp tuyên truyền cho Nhân dân hiểu rõ về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động Nhân dân chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, không cho con, em tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Phối hợp vận động, xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hộ gia đình cho con, em cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước thôn bản; phối hợp xây dựng dự toán kinh phí thực hiện năm 2022 và năm 2023.

anh tin bai

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh báo cáo  kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022, 2 tháng đầu năm 2023 tại cuộc họp

Theo thống kê số liệu của các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai về thực trạng tảo hôn có 197 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng (vi phạm tảo hôn). Trong đó, năm 2022 là 165 người, giảm 36 người so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 30% so với năm 2021 (năm 2021 số người tảo hôn là 201 người); 2 tháng đầu năm 2023 là 32 người. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 197 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó  có 177 người trong năm 2022; 20 người trong 2 tháng đầu năm 2023.

Về thực trạng hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 ở các địa phương không xảy ra kết hôn cận huyết thống, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.

Về thực trạng phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 615 phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con. Trong đó năm 2022 có 602 người, giảm 74 người so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 20% so với năm 2021 (năm 2021 tỉnh Lào Cai có 676 phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu); 2 tháng đầu năm 2023 là 13 người. Trong đó phụ nữ dân tộc Mông là chủ yếu.                    

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 các cơ quan, đơn vị địa phương đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND cấp xã đã kịp thời xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn với 40 vụ, kinh phí là 65 triệu đồng.

anh tin bai

Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh thảo luận, bàn giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, nêu ra được những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại một số địa phương như: Chưa kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có ý định tảo hôn trên địa bàn; chưa kiên quyết trong xử lý hành chính về vi phạm tảo hôn; chưa thống kê chính xác số liệu tảo hôn; chưa có các giải pháp can thiệp toàn diện, bền vững để phòng ngừa và xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương; Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xử lý vi phạm hành chính, hình sự về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa chặt chẽ; việc nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp địa phương còn thiếu sự kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện, còn tình trạng buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Việc nhận thức về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế. Việc xử lý tảo hôn gặp nhiều khó khăn do một số cặp tảo hôn tuổi trẻ, suy nghĩ nông nổi, bồng bột lấy cái chết ra đe dọa gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động; văn bản quy định về xử phạt hành chính chưa quy định rõ ràng nên khó khăn cho người thực thi nhiệm vụ; Một số huyện số liệu báo cáo không thống nhất giữa các kỳ báo cáo gây khó khăn cho công tác tổng hợp và theo dõi số liệu; chế độ thông tin báo cáo chậm.

Qua đó, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã bàn đưa ra nhiều giải pháp mạnh thực hiện trong 10 tháng cuối năm 2023, nhằm đạt chỉ tiêu giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2022 và giảm 30% phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022, cụ thể: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các Nhà trường, thôn, bản. Đặc biệt cần phát huy vai trò của Trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại ở một số dân tộc thiểu số hay trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống; quyết liệt tăng cường vai trò của công an xã chính quy; cần có biện pháp nâng cao nhận thức từ lãnh đạo cấp xã đến toàn thể Nhân dân trong xã; giải pháp vai trò lực lượng đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường nội dung này trong quy ước, hương ước để phát huy vai trò quy ước hôn ước trong cộng đồng;... Đồng thời các địa phương cũng đã chia sẽ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện một số mô hình tại xã và kinh nghiệm trong việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

anh tin bai

 Đồng chí Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai tuy đã giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ số vụ tảo hôn gia tăng trở lại; đặc biệt là vào các dịp học sinh nghỉ lễ, Tết và mùa cưới ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và trong vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao và một số các dân tộc khác. Do đó, nhiệm vụ 10 tháng tới của năm 2023, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các đối tượng học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn; Nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các chế tài xử về xử phạt hành chính và hình sự liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS gắn với cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình điểm đã được phân công theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 07/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2022.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh được phân công theo dõi, phụ trách các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định.

Đối với Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã cần xây dựng kế hoạch, dự toán được phân bổ để triển khai thực hiện các hoạt động tại Kế số 78/KH-UBND ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2023.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đảm bảo đạt được mục tiêu của tỉnh đã đề ra trong năm 2023 tại Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh uỷ Lào Cai và Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh Lào Cai. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các đối tượng học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn; Tăng cường đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phải đảm bảo đúng thời gian, cập nhật số liệu tảo hôn và phụ nữ DTTS sinh con dưới 18 tuổi chính xác.

05 Giải pháp thực hiện trong năm 2023, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai

1. Giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tảo hôn ở địa phương. Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn xử phạt hành chính các hành vi vi phạm liên quan tới công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật.

2. Thay đổi nhận thức của xã hội về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Tăng cường phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

3. Giải pháp về tuyên truyền

- Lựa chọn nội dung tuyên truyền có trọng tâm, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, thành phần dân tộc; biên soạn tài liệu ngắn gọn, dùng từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn đời sống sinh hoạt của đồng bào.

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên vận, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Tăng cường tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, đài phát thanh truyền hình, hệ thống truyền thanh của xã, thôn, panô, áp phích, băng rôn, tờ rơi, tờ gấp, hội thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số... Xây dựng các mô hình điểm hướng tới mục tiêu không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống để học tập, nhân rộng, thu hút người dân tham gia thực hiện.

4. Giải pháp trong công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đặc biệt là vai trò của Ban Dân tộc tỉnh, phòng Dân tộc các huyện, thành phố, cán bộ phụ trách cấp xã về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Xử lý nghiêm các vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nói chung và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

- Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hơp chặt chẽ trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Cán bộ, công chức phụ trách công tác phòng, chống tảo hôn tiếp tục bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin và giải quyết vi phạm các vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

- Khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chấn chỉnh, phê bình những địa phương, đơn vị, cá nhân, tập thể vi phạm quy định pháp luật, chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác này.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết trong việc thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

5. Giải pháp về nguồn lực

- Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các dân tộc có dân số rất ít người.

- Tăng cường lồng ghép kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (27/02/2023)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (27/02/2023)
  • PS 02 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • Xã Lương Sơn (Bảo Yên) đạt chuẩn Nông thôn mới
    (27/02/2023)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !