Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc
Lượt xem: 249
CTTĐT – Nhằm thúc đẩy việc xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc), Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)” diễn ra vào sáng ngày 10/02/2023 tại thành phố Lào Cai.  

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT, Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam và UBND tỉnh Lào Cai kết nối tới hơn 300 điểm cầu tại một số địa phương, các cục, phòng, ban của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm giữa 2 nước.

anh tin bai

Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Lào Cai

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Lào Cai, đồng chí Hoàng Quốc Khánh  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo Cục chất lượng chế biến và phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và một số doanh nghiệp của tỉnh.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngày 08/01 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định theo Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc về yêu cầu Trung Quốc đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường này phải tuân thủ: Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do phía Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN-PTNT cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản. Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2022, Kim ngạch thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam năm 2022 chỉ đạt 3,2 tỷ đô la, chiếm 5% trong tổng kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Hết năm 2022, mặt hàng rau quả, tỷ trọng xuất khẩu sang phía bạn đạt 53,7%, trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng trên 90%, thanh long chiếm trên 80% xuất khẩu. Sắn và các sản phẩm từ sắn chiếm tỷ trọng xuất khẩu trên 91%. Với thủy sản, Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ 3 chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

anh tin bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai – Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn

Tại Lào Cai, giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu (Trung Quốc) tăng trưởng bình quân đạt 20,3%, trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu, với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu 2 bên đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, Kim ngạch thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam chỉ chiếm 5% trong tổng kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dư địa phát triển giữa hai bên còn rất nhiều, do đó rất cần sự quan tâm, phối hợp từ Trung ương tới địa phương

Năm 2022, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cập nhật được trong tháng 01/2023 cho thấy sức mua một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, thủy sản, gỗ… của các thị trường đều có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm trước. Do đó, việc tổ chức diễn đàn sẽ để Việt Nam và Trung Quốc bàn các giải pháp và chuẩn bị tốt để thích ứng với tình hình mới.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Hoàng Quốc Khánh  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Việc tổ chức diễn đàn này có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh Trung Quốc đang thay đổi chính sách phòng chống dịch Covid-19, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đây là điều kiện để hai Bên thúc đẩy hoạt động giao thương nói chung và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm nói riêng sau thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Để góp phần thực hiện “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” được đưa ra tại chuyến thăm chính thức Trung Quốc giữa đồng chí Tổng Bí thư Đảng công sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc – Tập Cận Bình, đặc biệt là để thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, tỉnh Lào Cai đề xuất, kiến nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xây dựng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; Tích cực trao đổi, hội đàm với phía cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; Bộ Công Thương Việt Nam tăng cường triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam nước CHND Trung Hoa về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; Hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai một số nội dung hợp tác với tỉnh Vân Nam; tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cùng phối hợp triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng tuyên truyền tới các các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai thường xuyên quan tâm nắm bắt nhu cầu thị trường và các quy định trong hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch; Nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị hàng hóa xuất khẩu.

anh tin bai

Đại biểu tham gia thảo luận

Tại diễn đàn đã có nhiều ý kiến thảo luận của phía Trung Quốc và Việt Nam về nhu cầu giao thương, xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, thực phẩm giữa hai nước… của các địa phương, doanh nghiệp, HTX…; các Cục, Vụ của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương; UBND tỉnh Lào Cai, các sở ngành, Ban Quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai; Hải quan Vân Nam (Trung Quốc)… phần nào đánh giá tổng quan về thương mại, xuất nhập khẩu sản phẩm thực vật và sản phẩm thực phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thúc đẩy thương mại cũng như nhu cầu giao thương, xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, thực phẩm giữa hai nước trong thời gian tới.

Linh Vũ

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (27/02/2023)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (27/02/2023)
  • PS 02 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới
    (27/02/2023)
  • Xã Lương Sơn (Bảo Yên) đạt chuẩn Nông thôn mới
    (27/02/2023)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !